Giá cả nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu do ảnh hưởng của tỉ giá USD tăng, sự biến động của giá điện, giá xăng dầu đã và đang khiến người dân phải so đo tính toán nhằm "cân bằng" trong chi tiêu gia đình. Thế nhưng, ăn uống còn có thể giản tiện đi chút ít còn thuốc chữa bệnh liên quan trực tiếp tới sinh mạng của con người làm sao có thể ngưng giữa chừng khi đang điều trị? Nhiều loại thuốc tây bị đẩy giá lên quá cao đang khiến người bệnh, nhất là người nghèo lâm vào cảnh "sống dở chết dở".
Mua thuốc ở nhà thuốc bệnh viện: Bệnh nhân "sốc"!
8h sáng 8/3, ngay trước cổng Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP HCM (BV CTCH), người bệnh, thân nhân đứng đông nghẹt. Đông nhất vẫn là khu khám bệnh và nhà thuốc BV. Người chờ trong cảnh ngồi, đứng, nằm đầy trên các ghế đá, nhiều người sốt ruột tự đứng thành hàng cầm toa thuốc bác sĩ cho trong tay.
Chị N.T.Tư (46 tuổi) đang chờ được gọi tên lên đóng tiền mua thuốc. Chị cứ nhấp nhổm hỏi mọi người xung quanh về toa thuốc của con mình khoảng chừng bao nhiêu tiền vì lo trong túi không đủ. Chị Tư cho biết, con chị 18 tuổi, không may bị gẫy chân do TNGT. Bác sĩ đã cho toa thuốc và dặn mua ở trong BV chứ ra ngoài sợ không có. Khi đọc số tiền do cô bán thuốc đưa cho ghi trong hóa đơn: 987.000 đồng, chị Tư gần như hoa mắt. Giọng khản đặc, chị lẩm bẩm: Sao nhà thuốc bán giá thế nào mà chỉ có 3 loại thuốc như mọi khi mà số tiền tăng gấp đôi?
Quay ra khỏi quầy thuốc chị Tư kể lể: "Sáng nay tui mang đi 2 triệu đồng tiền khám, chụp X-quang, làm xét nghiệm… cộng thêm tiền thuốc giờ chỉ còn đúng 3.000 đồng ra lấy xe. Bộ nhà thuốc này tưởng tụi tui in ra tiền hay sao? Lương chẳng tăng mà thuốc chữa bệnh cứ tăng ào ào…".
Người bệnh lại “điêu đứng” vì giá thuốc tây. |
Theo lời chị Tư, cách đây vài tháng chị cũng đưa một đứa cháu bị gẫy chân lên BV CTCH điều trị, khi ấy toa thuốc có tới 5 loại mà tổng số tiền chỉ bằng một nửa, trong khi toa thuốc này chỉ có 3 loại giá đã gấp đôi?
Đứng kế bên chị Tư là em N.V.Tưởng (15 tuổi, ngụ quận 8) giơ bàn tay phải bị trật khớp ngón cái nhăn nhó nói: "Sáng nay lúc vào đây mẹ em đưa em 50.000 đồng để mua thuốc vì cứ ngỡ thuốc xoa khớp sưng chỉ tới mức đó thôi. Ai ngờ giờ phải đóng 500.000 đồng?". Mặt cậu bé buồn so. Chúng tôi xem toa thuốc gồm 3 loại tổng số tiền là gần 500.000 đồng gồm thuốc kháng viêm, thuốc giảm đau.
Sự ngỡ ngàng, ngạc nhiên và lo lắng hầu như hiện trên hầu hết các khuôn mặt của người bệnh mà chúng tôi có dịp tiếp xúc tại đây. Các toa thuốc của bệnh nhân ở đây thấp nhất khoảng 300.000 đồng. Còn đa số có tổng số tiền từ 600.000 đồng tới trên 1 triệu đồng tùy theo tình trạng của bệnh nhân và tùy theo loại thuốc mà bác sĩ kê toa.
Nhà thuốc bán lẻ: Không thấy vai trò của cơ quan quản lý
Giá thuốc tây trong nhà thuốc đã được bán theo giá quy định của Luật Đấu thầu thuốc mà đã gây "sốc" như vậy, thử hỏi giá trên thị trường bán lẻ còn gây bất ngờ tới đâu. Chúng tôi tới khu vực chợ Dược sĩ Tô Hiến Thành, quận 10 ngày 9-3, hầu hết những người tới mua hàng đều cho biết, các loại thuốc kháng sinh bắt đầu tăng với mức trung bình 10%. Nhiều loại như Clorocid 400mg, cefalexin 500mg,amoxicilin 500mg, hay Lincomycin 500mg trong tuần qua liên tục được bán ở mức cao hơn trước Tết từ 7-10%. Lý do được đưa ra là: “Do giá thuốc thâu vào đã tăng cao vì tỉ giá USD tăng buộc công ty phải báo giá lên thôi!".
Hỏi thêm một cơ sở chuyên về bán thuốc tây trên đường Hai Bà Trưng (chợ Tân Định, quận 1) cũng được biết, trước đây cả nửa tháng họ đã bán tăng giá từ 7-15% các loại thuốc thông thường như: thuốc ho, cảm sốt, các loại viên kẹo ngậm, thuốc bổ của các công ty nội địa sản xuất…
Riêng về nguồn tin loại thuốc hỗ trợ cho bệnh nhân cai nghiện hiệu Bông Sen (in trên nhãn: NSX Công ty Pataco Bến Tre) tăng giá cao vọt, chủ cơ sở đại lý thuốc L.C (đường Hai Bà Trưng, quận 1) đồng ý cung cấp thông tin nhưng "yêu cầu không được phép tiết lộ danh tính vì sợ công ty cung ứng cắt nguồn thuốc với cửa hàng".
Vị này khẳng định: Thuốc cai nghiện Bông Sen ngay từ mấy tháng qua chúng tôi đã được công ty cung ứng thông báo tăng giá. Từ ngày 1/3, giá bán thuốc này từ 1.580.000 đồng/hộp tăng lên 3 triệu đồng/hộp. Hầu hết người bệnh, nhất là khách quen tới hỏi mua đều lắc đầu sửng sốt nhưng vì không thể ngưng điều trị nên đành "ngậm đắng" trả tiền. Cũng có không ít người ra về tay không vì số tiền mang theo giá cũ nên không đủ.
Chủ nhà thuốc này cũng cho biết: "100% thuốc nội đã tăng giá". Ngay từ trước Tết, cửa hàng đã nhận được bảng thông báo tăng giá nhiều mặt hàng thuốc nội. Tỉ lệ tăng trung bình khoảng 5%. Trong đó có loại tăng khá cao như Cades từ giá 19.000 đồng/hộp lên 43.000 đồng/hộp. Bên cạnh các loại thuốc nội tăng giá, các loại bông băng, vật tư tiêu hao y tế cũng đang "rục rịch" tăng giá.
Tuy nhiên bà Phạm Khánh Phong Lan - Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM khẳng định: "Tại TP HCM hiện chỉ có thuốc ngoại nhập là tăng giá do tỉ giá USD tăng, còn các mặt hàng thuốc nội do 22 doanh nghiệp sản xuất do Sở Y tế TP HCM quản lý được kiểm soát rất chặt. Không có chuyện tự ý tăng giá! Muốn điều chỉnh tăng giá phải thông qua hội đồng thẩm định. Và Sở Y tế chỉ đảm bảo được giá bán buôn. Còn giá bán lẻ ở các nhà thuốc là không thể quản lý".
Chúng tôi cũng trao đổi với ông Phạm Văn Quân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội SX-KD dược Việt Nam, cho biết, do tình hình biến động của giá cả điện, nước, dầu xăng, USD,… giá nguyên liệu SX thuốc tới 90% là phải nhập tăng theo tỉ giá USD, kéo theo giá nhân công lao động tăng, chi phí vận chuyển, lưu kho… tăng theo khiến các doanh nghiệp sẽ phải điều chỉnh lại giá thuốc trong thời gian tới, nhưng mức điều chỉnh như thế nào và tăng bao nhiêu thì chưa thể trả lời được.
Hiện Sở Y tế TP HCM đã có dự thảo trình UBND TP HCM về giải pháp "bình ổn giá thuốc" trên địa bàn và sẽ thông tin trong tuần. Như vậy, theo các nhà quản lý dược tại TP HCM tại thời điểm hiện nay họ chưa nhận được công văn nào xin điều chỉnh giá tăng từ cơ sở SX. Và "nếu có tăng cũng tăng không bao nhiêu", thế nhưng trên thực tế khảo sát cho thấy, giá điện tăng thêm 15,8%, giá USD tăng 9,3% nhưng thuốc tây nhiều loại đang được người bán "đẩy" lên tới 50-70%, thậm chí trên 100%. Các cơ sở bán lẻ đã "lợi dụng" tỉ giá USD tự ý tăng giá bán vô tội vạ mà nhà quản lý chỉ biết "ngắm nhìn" vì cho rằng quản lý giá thuốc bán lẻ thì bằng "đánh đố" do chưa có giải pháp nào quản lý nổi?
Kiểm tra và rà soát giá thuốc kê khai Trước tình hình giá thuốc biến động mạnh trong những ngày qua, gây bức xúc trong dư luận, đặc biệt là với việc kê khai "đón giá" của các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu thuốc chữa bệnh, ngày 10/3, Cục Quản lý dược - Bộ Y tế cũng đã chính thức lên tiếng bằng Công văn khẩn số 3069/QLD-GT, do ông Nguyễn Việt Hùng - Phó trưởng Cục Quản lý dược - Bộ Y tế ký, yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố và các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu thuốc kiểm tra, giám sát giá thuốc kê khai. Cục Quản lý dược cũng yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu thuốc rà soát và báo cáo cụ thể về giá thuốc đã kê khai, kê khai lại đang có hiệu lực; giá bán thực tế của tất cả các mặt hàng thuốc do cơ sở sản xuất, nhập khẩu. Đối với trường hợp các mặt hàng có giá đã kê khai chênh lệch nhiều so với giá bán thực tế của cơ sở, yêu cầu cơ sở kê khai giảm giá cho phù hợp. Các báo cáo và hồ sơ kê khai lại sẽ phải có kết quả trước ngày 18/3/2011, để cơ quan chức năng xem xét. Thanh Hằng |
Huyền Nga
Nguồn : CAND
P.s : Đọc bài này nhìn thấy nỗi da gà. Mẹ tiếng nói thì Lương Y Như Từ Mẫu. Không thấy từ mẫu đâu toàn thấy ác phụ đối với bệnh nhân đúng hơn....
0 nhận xét:
■ Dù vô tình hay hữu ý đến với blog này , cũng mong bạn để lại một nhận xét tại bài viết đang xem như một món quà dành cho Mình.
■ Bạn không cần bất kì tài khoản nào để nhận xét ,mà có thể chọn "ẩn danh" hoặc Tên.
■ Rất mong bạn đề tên cho nhận xét của chính mình - Bằng cách chọn vào Tên/URL và điền tên bạn vào (Phần URL có thể bỏ trống ).
■ Cũng rất mong các bạn nếu có nhận xét gì thì mong các bạn đừng có xúc phạm đến mình hay xúc phạm đến người có trong nội dung bài viết