Lì xì là một từ đã rất quen thuộc và được sử dụng nhiều mỗi khi Tết đến xuân về. Theo Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học, lì xì là một phương ngữ, có nghĩa là “mừng tuổi”. Lì xì (hay có người gọi là lầy xì) là cách nói Việt hóa âm Quảng Đông, chính âm Hán - Việt là lợi thị (điều tốt lành, lợi lộc, vận may...). Có lẽ lúc đầu từ lì xì chỉ được dùng ở miền Nam (chủ yếu ở vùng Chợ Lớn - Sài Gòn trước đây), sau này mới lan dần ra sử dụng thống nhất toàn quốc. Dân gian vốn thấy cái gì hay hay lạ lạ thì theo, thấy gọi cái gì mà lì xì nghe nhiều gió hơn, nghe hay hơn mừng tuổi thì gọi lì xì. Mừng tuổi, lì xì với nghĩa khởi thủy là một cách để “tạo đà”, để lấy "khước" cho con cháu khỏe mạnh, hay ăn chóng lớn, học hành giỏi giang hay làm ăn phát đạt, tài lộc dồi dào.
Phong tục lì xì – phong tục tặng quà năm mới bằng tiền chỉ phổ biến ở một số nước châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam... Quà tiền mặt lì xì bắt buộc phải là tiền mới, bắt buộc phải được bọc trong “giấy gói quà” – phong bao lì xì màu đỏ.
Có người chiết tự vui "lì xì" có nghĩa là trẻ con cứ lì ra cho đến khi khách phải xì tiền mừng tuổi mới thôi | |
Tết đến, đối tượng được lì xì nhiều nhất là trẻ em. Người lớn khi lì xì cho trẻ em là thể hiện sự quan tâm đến trẻ, mong muốn mang đến cho trẻ niềm vui, sự may mắn, điều tốt lành nhiều hơn là giá trị vật chất của tiền. Tết được nhận lì xì với trẻ em đã thành phản xạ có điều kiện. Mỗi khi có khách đến nhà chúc Tết là bọn trẻ lại chờ đợi "tiết mục" lì xì. Trẻ con có thể háo hức đến mức bỏ ăn bỏ chơi để ngồi chờ lì xì, có thể làm đủ trò để khách đừng lơ đãng mà "quên" lì xì mình. Có người chiết tự vui "lì xì" có nghĩa là trẻ con cứ lì ra cho đến khi khách phải xì tiền mừng tuổi ra mới thôi. Trẻ em đúng là trẻ em vì chỉ thích được lì xì chứ có thể còn chưa biết giá trị của tiền, hoặc được lì xì bao nhiêu là “nộp” cho mẹ giữ hộ.
Nhiều người bắt đầu thích gọi lì xì là lầy xì, ý bảo từ góc độ của người phải đi lì xì, phong tục lì xì giờ trở nên lầy lội - lầy xì. Người lớn nhiều khi đi chúc Tết rất ngại vì đến nhiều nhà thấy có đầy trẻ con, lì xì ít thì không ổn mà lì xì nhiều thì không biết bao nhiêu cho xuể. Rồi trước Tết, sau Tết nhiều người cứ bị trắng trợn đòi tiền lì xì, không lì xì không được mà lì xì thì ấm ức, lì xì xong mặt cứ lầm lì xì ra khói.
Ngày Tết chắc chắn là phải có lì xì, Tết mà không có lì xì não nùng như thể Tết đến mà không được thấy quê hương. Khi đi vào trong dân gian phải có lì xì vì dân gian vốn trọng tình nghĩa và nhất là đối với trẻ con, lì xì cao hơn…ăn cỗ. Tuy nhiên, theo chúng tôi, có lẽ nên tuyên truyền, giáo dục để bảo tồn tính nhân văn của phong tục lì xì với nét đặc trưng là chỉ lì xì tiền nhỏ đựng trong bao bì đỏ tượng trưng lấy khước và chỉ có người trên lì xì cho người dưới, người lớn lì xì cho trẻ con - ngoại trừ trường hợp con cái, cháu chắt đã đi làm có tiền có bạc, ngày Tết cũng rút phong bao đỏ cung kính biếu bố mẹ, ông bà. Trường hợp này phải gọi là mừng tuổi (gọi là lì xì rõ ràng là không ổn), mừng các cụ thêm một tuổi – theo quan niệm các cụ càng thọ càng quý. Mừng tuổi kiểu này thực ra là một cách biếu tiền để các cụ ăn quà và chỉ thịnh hành trong điều kiện con cháu thành đạt mà các cụ thì đã “rửa tay gác kiếm” không có nhiều thu nhập. Nếu con cháu nghèo thì cũng không nhất thiết phải mừng tuổi, phong tục không có “quy định” bắt buộc mà ngày Tết nhớ đến các cụ, mang con gà, chai rượu đến Tết các cụ là hiếu thảo rồi.
Cá nhân người viết bài này cho rằng nếu trong nhà, trong họ có các cụ tiêu pha không được thoải mái lắm thì nhân dịp Tết cũng nên đến thăm và mừng tuổi, biếu các cụ ít tiền tiêu vặt. Với người già điều cần thiết trước hết là sự kính trọng, quan tâm chứ không phải số tiền mừng tuổi. Nhiều cụ cũng khí khái và hiểu rõ phong tục, khi con cháu mừng tuổi thì cũng lì xì lại, chứ nhất định không để có chuyện mừng tuổi một chiều.
Q. Bình Thạnh). Thy An (ghi) |
Phan An
0 nhận xét:
■ Dù vô tình hay hữu ý đến với blog này , cũng mong bạn để lại một nhận xét tại bài viết đang xem như một món quà dành cho Mình.
■ Bạn không cần bất kì tài khoản nào để nhận xét ,mà có thể chọn "ẩn danh" hoặc Tên.
■ Rất mong bạn đề tên cho nhận xét của chính mình - Bằng cách chọn vào Tên/URL và điền tên bạn vào (Phần URL có thể bỏ trống ).
■ Cũng rất mong các bạn nếu có nhận xét gì thì mong các bạn đừng có xúc phạm đến mình hay xúc phạm đến người có trong nội dung bài viết